Chúc các bạn một ngày vui vẻ và hạnh phúc.

    Blog Radio 309: Người đi tìm những cơn mưa


    Mưa luôn gợi lên trong lòng người bao cảm xúc. Có thể là một chút buồn man mác, chút xao xuyến, bâng khuâng. Trong những ngày mưa, bạn thường làm gì?

    Blog Radio của tuần này xin mời các bạn đến với thế giới của một người đi tìm những cơn mưa. Anh tâm sự: “Thế giới của tôi là những cơn mưa. Tôi phải đi tìm... Một ngày nào đó,chắc chắn rằng tôi sẽ quay trở lại, nơi cơn mưa dịu dàng đầu tiên đã mang em đến bên tôi...”



    Đó là trích đoạn truyện ngắn Đi tìm cơn mưa của tác giả Hà Mạnh Luân, tác giả đã đoạt giải Bài viết xuất sắc nhất cuộc thi sáng tác Hãy yêu khi còn có thể của chuyên trang Blog Việt – Blog Radio. Xin mời các bạn cùng lắng nghe:

    • Truyện ngắn: Đi tìm cơn mưa

    I.

     Mưa. Mưa rừng nên mù mịt. Đã từng xem hay đọc đâu đó và hình dung ra cảnh này trong kí ức, không ngờ giờ đây tôi lại là nhân vật chính trong bức tranh độc hai màu trắng xám ấy...

    Đỉnh một trong số rất nhiều con đèo trên đường lên phía Bắc, một bên vách núi dựng đứng- vết tích xẻ dọc thớ đá còn lởm chởm loang lổ vết thương chưa liền da mà ông cha ta ngày xưa mở đường đã san đồi bạt núi; một bên là vực thẳm bao la những chóp núi chóp cây, thấy mờ mờ cả chóp một trạm thu sóng Viettel hay Vina Mobi gì đấy. Công nghệ phát triển, ngày nay đi đến đâu cũng có sóng điện thoại, nhờ thế mà giờ phút phiêu du lòng bồng bềnh quá đỗi này, tôi nhớ đến cái phôn trong túi và bấm số gọi.

    - A lô.
    - ...
    - A lô... xin lỗi cho hỏi ai đang gọi đến điện thoại tôi đấy ạ?

    Thoáng giật mình, nhưng tôi trấn tĩnh được ngay. Những tưởng cô người yêu, tôi từng xem như thiên sứ lại bội bạc đến mức vừa chia tay đã xóa và quên ngay số điện thoại nhân tình. Lần này lỗi là ở tôi. Cuộc tình buồn đau chấm dứt bằng chuỗi ngày dài buông thân trong ủ ê nhột nhạt, bất cần mọi thứ. Điện thoại trở thành máy nghe nhạc, những bản nhạc không lời phối tiếng nhị và sáo trúc Trung Hoa, nghe thê lương muốn khóc. Đây là chiếc điện thoại thứ hai, chỉ để dùng gói khuyến mại gọi hết tiền cũng vứt luôn sim. Điện thoại chính thuộc hàng đắt tiền, và trong giây phút buồn đau thất vọng chán chường dâng lên tột độ, tôi đã không ngần ngại cho nó rơi tự do trong khoảng không mênh mông cũng của một vực thẳm không rõ là đoạn nào trên chặng đầu của chuyến độc hành phiêu du không mục đích này.

    Điện thoại bay sim cũng bay theo. Chẳng ngờ trong vô thức lại còn có lúc tôi bấm hàng số quen thuộc mà gọi đến, bằng một số sim rác lạ hoắc lạ huơ như bây giờ.

    - Em à...

    Tôi bấm môi. Thêm một lần nữa, thứ cảm giác thân quen đến muốn khóc, đã khiến tôi quên mất phải học cách căm ghét em như thế nào.

    Im lặng. Em đã nhận ra,tiếng thở đầu dây bên kia nghe hẫng hụt.

    - Ai vậy em?

    Thêm một giọng đàn ông chèn vào...

    Tút...tút...

    Có một mẩu chuyện tình yêu, kể rằng từ khi yêu chàng trai, cô gái trở nên yêu mưa và muốn đi trong mưa đến lạ, nhưng cô chỉ đi dưới mưa một mình, không cho chàng trai mang ô che chở. Cô biết người mình yêu rất đa tình, và lường trước điều gì tất yếu sẽ đến. Anh chia tay cô trong một chiều mưa, cô mỉm cười. Trước khi đi, chàng trai muốn biết một điều cuối, điều mà từ lâu anh vẫn thắc mắc trong lòng.

    “Tại sao em yêu mưa đến vậy”. “Chỉ có trong mưa, anh mới không bao giờ biết được em đang khóc.”.

    Tôi đứng lặng bên vực thẳm. Mưa nhạt nhòa môi tôi mặn chát. Từng hạt nước trắng xám dầy đặc rơi xuống hun hút thinh không. Hình như lạnh.

    Hà Nội đang nắng nóng phải không em? Nơi ấy chắc hẳn kể từ giờ đã chẳng còn là của tôi nữa. Mưa. Chỉ hai màu xám trắng. Mưa sẽ là thế giới của riêng tôi. Tôi phải đi tìm...

    II.

    Bản Phia Ngược nằm trong thung. Người ở đây chưa bao giờ được thấy bình minh hay hoàng hôn. Mở mắt xung quanh dựng đứng chỉ toàn vách núi, những hốc đá đen ngòm, gân guốc đủ mọi hình thù kì dị bám đuôi nhau leo dần lên phía ngọn chót vót. Mặt trời xuất hiện khi tia nắng trở nên vàng rực, đủ sức khiến sương đêm bốc hơi và mây trắng phủ trên vòm trời lòng chảo bị xé ra từng mảng, phớt mỏng như khói thuốc. Ấy là gần giữa buổi.

    Bóng đêm ngự trị lâu, dân bản không có thói quen dậy sớm. Mà kì thực dậy sớm cũng có để làm gì? Họ sống bình thản, khoan thai như tiếng trâu bò đủng đỉnh gõ bước ra đồng. Bao đời nay, cuộc sống vẫn cứ thế trôi đi với công việc lặp đi lặp lại: ngày lên núi kiếm củi, ra đồng, chăn nuôi gia súc gia cầm, thu hoạch mùa vụ; đêm đến người già quây quần tụ họp nhà trưởng bản, uống nước chè đắng, những ngày đông có thêm bếp lửa và can rượu ngô thơm lựng cùng mảng thịt bò khô treo trên giánh bếp… Thanh niên đi từng tốp soi cá, bẫy thú rừng, trai gái ưng nhau dắt díu nhau đi chơi, ra chái sàn ngắm trăng hay rủ nhau lên núi…

    Công việc thì như thế, nhưng chỉ theo mùa vụ. Mùa trồng ngô, gieo mạch, mùa thu hoạch bà con mới ra đồng nhiều. Tiết nông nhàn, người bản quanh quẩn trên sàn nhà, nhìn sang nhau nói chuyện í ới. Cả bản có ba mươi ba nóc nhà, hình dung cũng giống với một đại gia đình, khi con cái trưởng thành, dựng vợ gả chồng thì chuyển ra chia đất dựng nhà riêng. Dân bản sống với nhau hòa thuận, gia súc gia cầm hết ngày của nhà ai khắc tự về nhà ấy, chưa bao giờ xảy ra chuyện mất cắp hay điều ra tiếng vào, họ còn biếu nhau con gà con vịt những dịp nhà nào có cúng lễ lớn…

    Phia Ngược hôm nay khác hơn thường lệ, ngay từ sớm cả bản đã xôn xao. Người già, trẻ nhỏ,phụ nữ lay nhau dậy, đứng trên sàn ngó xuống. Tốp thanh niên reo hò từ đầu bản, chúng khiêng khệ nệ một mảng gì xám ngoét đặt ngay dưới sàn nhà trưởng bản.

    - À lúi, sao chúng bây lại dỡ được cái tổ ong to nhất rừng vậy à?

    Trưởng bản như không tin vào mắt mình, dò dẫm bước xuống cầu thang. Đúng là cái tổ ong rừng ấy thật. Trưởng bản đứng dậy, đưa mắt nhìn đám thanh niên còn đang thở hổn hển. Những bước chân dạt ra hai bên, để lộ giữa khoảng trống một chàng trai vạm vỡ, bộ ngực phập phồng, da ngăm đen, mặt cúi gằm. Đấy là A Bội.

    - A Bội, kể cho trưởng bản nghe đi à.

    A Bội ngẩng mặt lên, đôi mắt đục mờ. A Bội tiến đến xé roạc một mảng tổ ong, những con nhộng vàng ươm bắn tứ tung, ngọ nguậy. Bội lẳng lặng leo lên sàn nhà trưởng bản, đến trước bàn thờ đặt mảng tổ ong và lấy nhang thắp. Trực ơi, mày về mà xem tao mang gì đến đây này...

    A Bội gục mặt khóc, nghe khục khục trong cổ họng. Đám thanh niên bản rỉ tai nhau câu chuyện A Bội và A Trực ngầm giao hẹn với nhau rằng ai dỡ được tổ ong to nhất rừng Phia Ngược, kẻ đó sẽ được quyền yêu A Hương, người kia sẽ không mơ tưởng gì nàng nữa. Tổ ong rừng đã có từ hơn chục năm nay, ngự trên một trong ba ngọn cây cổ thụ trên đỉnh núi. Đứng dưới trông lên chỉ thấy nó bé bằng bàn tay, nhưng kì thực kích thước thật phải sánh ngang chiếc nia sẩy thóc. Đã nhiều thanh niên bản ủ mưu hạ nó, nhưng đều thất bại. Có 3 chàng trai đã phải trả giá cho cái ý muốn ngông cuồng bằng chính mạng sống của mình. Người gần đây nhất là A Trực. A Trực buộc đầu cuộn dây thừng với một lưỡi hái tự chế, một buổi trưa tự mình leo lên cái cây cổ thụ gần ngọn cây có tổ ong, rồi một tay quặp chặt ngọn cây bên này, tay kia quăng sợi thừng nghe víu một tiếng. Lưỡi hái đi sượt cuống tổ ong, ngoạm vào cành cây. Lũ ong nghe động xù cánh , vo thành từng cục thả mình xuống mặt đất. A Trực đang cố gắng giật lại lưỡi hái thì từ dưới thân cây, đám ong buông mình ban nãy đã tỏa ra mấy gốc cây bên cạnh, cứ thế men lên bu đầy đùi và người A Trực. Giống ong này nọc độc ít, nhưng đốt rất rát. Xác định được mục tiêu, chúng gọi nhau mỗi lúc một nhiều. A Trực nghiến răng chịu đựng. Rát quá! Đám thanh niên kiếm củi gần đó bỗng nghe có tiếng cành cây gãy răng rắc rồi tiếng một vật rớt đánh ầm . A Trực nằm cạnh mỏm đá, đôi mắt đỏ ngàu, miệng ứa máu...

    A Trực là đứa con duy nhất của trưởng bản.

    - A Trực chết rồi, trưởng bản hãy coi con thay vai trò cậu ấy.

    Trưởng bản tay run run đỡ A Bội đứng dậy, tiếng khóc đám tang A Trực của đoàn người hôm ấy càng vang lên thê thiết...

    *

    A Bội thắp hương xong bước xuống sàn, chưa kịp nói gì thì nhận được tin dữ từ một thằng bé đen thủi:

    - A Bội ơi, A Hương bị đá núi lở lăn vào chân rồi, may có anh người
    Kinh đi xe ngang qua trông thấy nên đưa đi bó bột...

    Dứt lời thằng bé quay đầu chạy ngược lên Đông Đô. A Bội cũng vội vàng rượt theo sau nó.
    III.

    - Anh tên gì à?

    - Thưa bác cháu tên Thiên.

    - Anh Thiên lặn lội từ dưới xuôi lên, chắc là cán bộ à? Mà sao đi có một mình thế à?

    - Thưa bác cháu là sinh viên ngành Mỹ Thuật mới ra trường thôi, cháu đi thăm thú quang cảnh, và xem cuộc sống của đồng bào mình trên này thế nào.

    - Mỹ thuật là vẽ ấy à? A Hương nhà tôi nó cũng ham vẽ lắm, anh nhìn này.

    Vừa nói người đàn ông có khuôn mặt quắc thước, tóc hoa râm chỉ tay vòng ra sau. Trên mảng tường nhà sàn, hàng chục bức họa được dán một cách cân đối. Những lọ hoa, chân dung người, quang cảnh làng bản... A Hương có năng khiếu...

    Tôi lia mắt nhìn ra phía buồng. Tấm rèm rung rinh cụp lại phần khe hở. Thì ra nãy giờ ngồi uống nước, tôi không hề biết có một ánh mắt dõi theo từng hành động của mình.

    - May nhờ có anh Thiên, không thì không biết A Hương nhà tôi giờ như thế nào, cái ơn của anh Thiên lớn lắm. Nếu chưa có dự định thì mời anh cứ ở lại đây một vài tuần, tiện đi thăm thú thiên nhiên, cuộc sống bà con ở đây thì mộc mạc vậy thôi, không được nhộn nhịp như ở dưới xuôi đâu à.

    - Dạ có lẽ cho cháu xin phép...

    - Ây dà, ngại gì chứ. Mấy anh cán bộ dưới xuôi lên cũng ở nhà tôi suốt ấy mà. Anh cứ ở lại cho gia đình vui lòng. A Hương nó cũng thích vẽ, nếu như được, phiền anh chỉ bảo thêm cho nó, có được không à...

    - Cháu...

    Tình huống này nằm ngoài dự định. Tôi bối rối đưa tay xoa đầu. Chắc ở lại thôi...


    IV.


    Đêm. A Bội thình lình thức giấc. Tiếng ếch nhái ngoài kia vang lên rộn rã thế. Hình như loài vật cũng biết ăn mừng sau mỗi cơn mưa. Mưa làm cây cối tốt tươi. Mưa làm ngọn nước đầu nguồn chảy về bản càng trong và mát lạnh. Nhưng cơn mưa đêm qua lớn quá, lớn đến nỗi bầy ong đậu trên tổ bị ướt cánh, rơi rớt đi ít nhiều. A Bội nhớ như in cái giây phút đu mình trên ngọn cây cổ thụ, rút dao chém rụng cuống tổ ong lớn nhất rừng Phia Ngược, một nhát ngọt sớt. Đám thanh niên bản đứng phía dưới soi đèn cũng đứng cả tim. A Bội thật liều lĩnh. A Bội dám cột một cành cây cổ thụ gần cây có tổ ong, rồi quẳng đầu dây xuống nhờ đám trai bản kéo thật lực để cành ấy đưa A Bội tiến đến sát tổ ong. Đám trai bản hợp sức dô hò bở hơi tai mới cột được nốt đầu thừng còn lại vào gốc một cây cổ thụ.

    Chém rụng tổ ong rồi, A Bội xoay mình cắt phựt sợi dây thừng đang căng ra thẳng đuột như dây cung. Cành cây được thả tự do, đàn hồi trở lại, nghe vụt một tiếng. Nếu như A Bội không ghì chặt đến mức bắp tay trái bị cọ xát ứa máu, thì cả thân hình chàng trai có lẽ cũng vút bay như viên đạn sỏi sau khi thả đót nỏ cao su rồi.

    Độ cao từ ngọn cây cho đến mặt đất khiến đám ong còn bám trên tổ cũng bị văng đâu hết...

    Cơn mưa lớn đã giúp A Bội triệt hạ được tổ ong, nhưng lại khiến A Hương gặp nạn. A Hương ướt nhẹp trong mưa, sầm sà mặt mũi nên không nghe rõ tiếng đá lở, may sao hòn đá lăn sượt chân nàng không lớn như mấy tảng đá cạnh bên, nàng bị dập nửa bàn chân trái...Nhờ Giàng, kịp lúc có anh người Kinh đi xe máy ngang qua. Nàng chỉ đường cho anh đưa thẳng đến bệnh viện thị trấn...

    A Bội trở dậy thắp đèn dầu. Ngọn lửa chập chờn soi sáng bức vách. Hai năm rồi, A Bội không còn ngửi thấy mùi phân trâu quen thuộc bốc lên từ dưới sàn. A Bội thấy nhớ tiếng thở phì phò, tiếng ợ cỏ nhóp nhép nhai lại của con Đen giữa đêm.

    Bất giác, ngọn đèn trước mặt A Bội mờ dần đi, loang ra nhòe nhoẹt. Tiếng khục khục khe khẽ rên lên trong đêm. Kí ức về con Đen gắn liền với cái chết thảm khốc của mẹ chàng. Vốn là con trâu đầu đàn to khỏe và thông minh, Đen được Bội huấn luyện rất kĩ. Đàn trâu năm con, riêng Đen không bao giờ phải ràng dây chão. Bất kể đang gặm cỏ nơi đâu, hễ cứ nghe tiếng huýt quen thuộc của Bội là con Đen tự động tìm về phía âm thanh đang gọi.

    Ai ngờ, chính Đen lại là thủ phạm cướp đi người mẹ yêu quý của chủ nhân mình. Sáng đó, A Bội đạp xe lên học trường cấp 3 thị trấn, mẹ A Bội là người dắt trâu ra đồng. Vừa tới đầu làng Phia Ngược, con Đen bỗng khựng lại. Nó vểnh tai nghe ngóng. Hình như ở đàng xa có tiếng trâu cái đang tru lên văng vẳng. Mẹ A Bội dỡ dây thừng, ra sức kéo nó đi tiếp. Đen vẫn vểnh tai nghe ngóng, đoạn nó quay đầu rẽ lên phía cánh đồng của bản Đông Đô.

    - Đi nào Đen!

    Sợi thừng càng siết căng, mẹ A Bội vừa lôi, vừa cầm roi quật. Bất thần con Đen quay ngược lại, hai mắt long lên đỏ ngàu, nó chĩa sừng lao thẳng vào vị chủ nhân tội nghiệp. Sau tiếng kêu thất thanh, mẹ A Bội sõng soài lăn trên vệ cỏ. Con Đen phi như bay về phía tiếng gọi của bạn tình.

    - À lúi, có người bị trâu húc dân bản ơi!

    Là tiếng khàn đặc của A Trực, Trực lúc ấy cũng vừa dắt bò ra khỏi sàn nhà, thấy con Đen đang phi lên Đông Đô thì quẳng vội cuộc dây thừng lao theo. A Trực và A Bội chơi thân với nhau từ nhỏ, hai người hay đi rừng cùng nhau, nên con Đen quen hơi. Nó dừng lại sau tiếng Huýt của A Trực, đang định nắm lấy sợi thừng phía mõm Đen thì trên cánh đồng Đông Đô, A Trực lại nghe tiếng gọi tìm bạn tình của con trâu cái vang lên thê thiết. Đen quay đầu, A Trực ghì chặt lấy sừng nó

    - Dừng lạiiiii!

    Lần này là tiếng hét thất thanh của A Trực, con Đen điên tình, bất chấp sức ghì như khóa cổ của A Trực, nó nhấc bổng cả người Trực lên. A Trực dùng thân mình che kín mắt con vật,đoạn bàng hoàng nhận ra Đen đã mất kiểm soát rồi. Nó lao đầu phi thẳng vào hốc đá trước mặt...

    Bốp!

    Một âm thanh chát chúa vang lên, con Đen đổ vật xuống. Bên mỏm đá nhô, óc nó nhuốm máu ùn ra như mụn vỡ mủ. Gần đấy , A trực đang bò trở dậy sau cú bay mình tránh né thần tốc, khuôn mặt trắng bệch...

    Mẹ A Bội mất được một tuần, đến lượt cha A Bội. Vì quá đau buồn, ông ủ ê giam mình trong gian thờ. Một sáng, người bản sững sờ phát hiện xác ông bên dòng suối , chắc ông gieo mình từ trên đỉnh núi.

    Chao ôi, sức mạnh của tình yêu...

    V.

    Con trâu cái cất tiếng gọi bạn tình năm ấy là của nhà A Hương- người con gái xinh nhất bản Đông Đô. Đông Đô cách Phia Ngược một dãy núi, cũng quanh năm không thấy được mặt trời vào lúc sáng sớm và chiều muộn.

     Đêm đến, bờ rào đá nhà A Hương vang lên không ngớt những tiếng đàn môi. A Hương ở trên sàn, ngước mắt nhìn vầng trăng treo xa xăm đỉnh núi, lấy giá và màu ra vẽ.

    - Chúng mày về đi, A Hương không xuống đâu.

    A Hương ngó ra. Là A Bội. Dưới cầu thang, bờ vai cuồn cuộn bắp thịt rung rung, mái tóc lơ phơ phủ chìm đôi mắt. Đã dứt tiếng đàn môi, đám trai bản tản ra về từ bao giờ.

    - Tại sao A Hương lạnh lùng với tôi vậy?

    - Khuya rồi đấy, A Bội về đi!

    A Hương quay vào. Lát sau, nàng ngơi tay vẽ, khẽ đưa mắt trông xuống sàn. Bờ vai rung rung đang khuất dần trong màn sương phủ...

    *


    A Hương đỗ vào lớp năng khiếu trên thị xã, phải thuê ở trọ. A Bội bỗng chăm chỉ đi học, không cúp tiết lên rừng kiếm củi săn chim như trước nữa. Trường cấp 3 thị trấn chỉ cách thị xã năm cây số. Tan học, A Bội lại phóng xe đến lớp Mỹ thuật, thập thò cửa số nhìn A Hương chăm chú nghe giảng.

    Giờ thực hành sáng tác ngoài trời hôm đó, A Bội đứng dựa gốc cây bỗng thấy sắc mặt A Hương lộ rõ vẻ lo âu. Bảng màu trên tay nàng đã hết sơn từ lúc nào. Chẳng nói chẳng rằng, A Bội tiến đến giật phắt bảng màu trên tay một cậu học sinh đang ngồi gục mặt vào đầu gối, đưa đến trước mặt A Hương. A Hương sầm mắt:

    - A Bội! Đừng chỉ biết dùng có bạo lực vậy chứ!
    A Hương đưa trả lại bảng màu cho cậu nam sinh ban nãy, lúc này đang bối rối không biết làm sao để lấy lại đồ của mình, kèm theo lời xin lỗi. Nàng bỏ về phòng trọ. A Bội đứng bất động, mái tóc phủ chìm đôi mắt.
    VI.


    - Nơi đây quả là một chốn tuyệt vời thơ mộng bác ạ!

    Tôi hồ hởi leo lên bậc thang, sau chuyến vượt đèo sang biên giới Trung Hoa khám phá một mình. Chiếc xe ware α hình như hoạt động quá sức, tắt máy đã lâu mà vẫn nghe dầu xăng i i trong máy. Ngửi thấy cả mùi khét lẹt của má phanh bị cháy khi tôi lao xuống một con dốc gần như dựng đứng. Một chuyến đi hãi hùng và niềm kiêu hãnh của kẻ đã chinh phục được con đường được coi là nguy hiểm nhất núi rừng này. Vừa nghe đến con dốc, chủ nhà đã nhướn mày, đôi mắt sáng rực:

    - Cái gan của cậu thật lớn đấy à! Thanh niên bản chưa ai dám một mình vượt đèo như thế cả. Con đường độc đạo ấy sỏi đá gồ ghề, chỉ có dân buôn hàng lậu lâu năm mới có khả năng đi thuần thục thôi. Họ đi vào ban đêm, thi thoảng vẫn có người trượt xuống vực. Cái đám người ấy à, họ thâm lắm, họ vượt đường rồi còn kê đá chắn ngang lối mòn bẫy kẻ khác cơ ...

    Thực ra thì cũng không hẳn tôi trở về bình an vô sự. Có một cú ngã trên con dốc dựng đứng, do cẩn trọng giữ phanh, nên tôi chỉ xây xát đầu gối. Chiếc xe cũng bị đá đâm thủng đèn xi nhan, và vỡ một bên yếm. Không lăn xuống vực là may lắm lắm rồi...

    Tôi bước lên sàn, nghe tiếng lép bép và ánh lửa bập bùng trên bức vách, phía góc nhà. A Hương ngẩng mặt lên, đôi mắt long lanh như hai giọt sương. Tôi mất hai giây sững sờ. Nàng đẹp quá! Vẻ đẹp sơn cước hoang sơ nguyên khôi như nắng sớm . Gương mặt với làn da trắng ngần hiền dịu, đôi mày thanh thoát, má và đôi môi nàng ửng lên vì khói bếp, quả thực đẹp hơn bất cứ phấn son nào...

    - Anh đã về.

    Tiếng nói mấp máy thoảng qua, ngỡ như không phải bật ra từ miệng nàng.

    - Hương nấu món gì mà thơm thế?

    - Hôm nay cha đi vớt được mẻ tép dưới mương, đem nấu canh chua. A Bội thì xách cho một túi cá trê và ếch đêm qua anh ấy đi soi được.

    - Oa, nhiều món thế.

    Tôi rón rén ngồi xuống bên chiếc thùng, múc nước rửa mặt. Hương không quay lại, đôi tay nàng trở nên bối rối. Hình như má nàng càng thêm ửng đỏ...


    VII.

    Lại là tiếng ếch nhái ộp oạp ngoài bờ mương. A Bội chưa ngủ. A Bội nằm nghiêng, gối má lên bắp tay, nhìn ra cửa sổ.

    Đêm vơi quá nửa. Trăng treo chênh vênh đỉnh núi. Trăng tháng Tám dịu hiền và sáng nét vành. Trăng làm đỉnh cột thu sóng điện thoại im lìm kia trở nên thô kệch. Năm trước, cũng mấy anh người Kinh từ dưới xuôi lên mua đất trồng nó cạnh mỏm núi, nơi mà có lẽ cha A Bội đã buông mình xuống dòng suối.

    A Bội cũng có điện thoại. Danh bạ điện thoại A Bội chỉ vỏn vẹn hai dòng số, một của trưởng bản, một của A Hương.

    “ Từ khi có anh người Kinh ở chơi, A Hương vui hẳn”

    “ A Bội chưa ngủ sao? Giờ này còn nhắn tin, Hương giật mình thức giấc vì chuông điện thoại”

    “ A Hương ngồi sau xe anh người Kinh đi chơi. A Hương cười tươi lắm. Bội nhìn thấy, nhưng Bội đi xe đạp, phóng nhanh mấy cũng không đuổi được.”

    “ A Bội ngốc quá! Xe đạp làm sao đuổi được xe máy. Mà A Bội đuổi theo làm gì, Hương dẫn anh ấy đi vẽ tranh nơi ngọn suối đầu nguồn.”

    “ Chưa bao giờ A Hương cười vui khi ngồi sau xe Bội”

    “ Mai anh ấy về Hà Nội rồi”

    A Bội xoay người trở lại. Tiếng gà nhà ai vừa gáy. A Bội bật điện thoại, đã hơn hai giờ.

    “ A Hương ngủ đi.”



    VIII.

    Lại một cơn mưa. Mưa luôn tìm đến khi tôi cô đơn nhất. Tôi dựng xe, quay mặt lại. Con đường quanh co mình vừa đi qua trở nên mù mịt. Trong mưa, vạn vật sống động chỉ còn hai màu xám, trắng.

    - Anh về, rồi anh lại lên chứ?

    - Ừ, có thể.

    - Không phải là nhất định sao? Anh sẽ quên Hương sao?

    - Không! Anh không thể nào quên Hương, nhưng...

    - Nhưng sao? Anh biết mà, anh biết Hương yêu anh mà. Cái bụng con gái miền núi thật lòng lắm. Hương sẽ không làm anh đau như chị ấy đâu...

    - Anh...Anh phải đi rồi, Hương hãy cố gắng học cho thật tốt, em rất có năng khiếu. Anh về, anh sẽ giữ liên lạc...

    Tôi gỡ tay Hương, nhấn ga lao đi như điên dại. Hương quỵ xuống đường, khuân mặt đầm đìa nước mắt trong chiếc gương chiếu hậu. Tiếng khóc của nàng vọng theo tôi mãi...
    IX.

    - A Hương...

    - A Bội, anh về lúc nào sao không báo trước em biết?

    - Anh lên xe về đêm qua, Hà Nội rất nóng, và ...Anh nhớ em!

    - Sau một năm Đại Học, anh khác đi nhiều quá!

    - Gầy đi, trắng hơn?

    - Anh mặc áo sơ mi trắng rất đẹp, rất tri thức.

    - Đã... đẹp trai bằng anh Thiên chưa?

    A Hương bất giác cụp mắt xuống, hai giọt lệ trong veo ứa ra trên má.

    - Anh xin lỗi, anh không cố ý.

    - ...

    - Anh ấy...cắt liên lạc với em ngay sau khi anh ấy hỏi em về số điện thoại của anh.

    - Nhưng...Anh ấy còn giữ liên lạc với anh.

    A Hương ngẩng mặt lên, lau vội hàng nước mắt.

    - Tại sao anh đã nói với em rằng anh cũng không liên lạc được? Anh gặp anh ấy dưới Hà Nội chứ?

    - Ừ!

    - Anh ấy thế nào? Anh ấy có nhắc gì tới em không?

    - Có. Anh ấy còn gửi quà cho em nữa. Đây...

    - Tranh ư? Đúng là nét vẽ của anh ấy rồi. Nhưng sao...

    - Em thắc mắc tại sao không phải là những bức phác thảo bằng bút chì ư?

    - Vâng, chưa bao giờ anh ấy vẽ màu cả. Anh ấy nói anh ấy yêu bút chì và chỉ vẽ bằng nó.

    - Là vì..mắt anh ấy...

    - Mắt anh ấy?

    - Phải! Thế giới xung quanh anh ấy,chỉ còn hai màu đen, trắng- kể từ sau vụ tai nạn cách đây 4 năm...

    Chao ôi, phải rồi! A Hương bàng hoàng nhớ lại, cái lần đầu tiên anh ấy tìm ba lô lấy bút để vẽ. A Hương cất dùm ba lô cho anh trong hộc tủ. Anh lôi ra một hộp bút chì. Một bảng màu. Bảng màu của anh, từng ô màu có dán những chữ “ Xanh, Vàng, Đỏ, Tím...”

    - Hai bức tranh, đều là cảnh bình minh. Bình minh trên thành phố, và bình minh trên biển. Chúng ta, tất cả người bản mình đều chưa bao giờ được thấy vầng Mặt Trời lúc tinh khôi nhất như vậy. Thành phố và biển, lại ở nơi nào đó rất xa xăm, chờ chúng ta đặt chân tới...Anh ấy đã vẽ bằng kí ức, và cả tình yêu dành cho em đấy...

    - ...

    - Anh ấy có lẽ giờ này, vẫn lại tiếp tục rong ruổi trên những con đường, ở một nơi nào đó trên đất nước mình...

    A Hương nấc lên từng tiếng, nàng chạy đến dụi đầu vào vai A Bội, òa khóc.


    X.

    Xin lỗi em, A Bội mới thực sự là người có thể che chở cho em đến hết cuộc đời! Cậu ấy đã vì em mà quyết tâm thi đỗ Đại Học, vì em mà từ một thanh niên chỉ biết dùng cơ bắp trấn át mọi thứ, thành một chàng sinh viên ưu tú của trường.

    Tôi không thể tiếp tục chỉ bảo cho em trên chặng đường đến với chân trời nghệ thuật mà em đã chọn. Nhưng niềm tin nơi tôi: rằng em sẽ tiến xa, rất xa với cây cọ của mình, là tuyệt đối...

    Còn tôi, thế giới của tôi là những cơn mưa. Tôi phải đi tìm...

    Một ngày nào đó,chắc chắn rằng tôi sẽ quay trở lại, nơi cơn mưa dịu dàng đầu tiên đã mang em đến bên tôi...

    Khi ấy, em hãy hứa, rằng tôi sẽ được nhìn thấy hai người hạnh phúc...


     • Truyện ngắn của Hà Mạnh Luân

    Tác giả tâm sự: "Truyện được viết sau một lần đi thực tế sáng tác của tôi lên một bản vùng cao thuộc huyện Trùng Khánh tỉnh Cao Bằng. Người dân ở đó còn rất nghèo, cuộc sống khó khăn, có những mái nhà dột nát đến nỗi ngày thì nắng xiên vào lốm đốm trong nhà, những hôm mưa thì dột khắp nơi. Nhưng người dân ở đấy sống vô tư, yêu đời và chan chứa tình người lắm, đó là điều mà tôi rất thích ở họ. Bà con cũng mong con em mình được học hành tử tế, vì vậy tôi đã gửi gắm ước mơ ấy vào hai nhân vật A Bội và A Hương.. Nhân vật A Bội chính là người đã dẫn tôi đi thăm thú khắp bản làng, rừng núi. Còn nhân vật A Hương do tôi hư cấu nên. Nhân vật Thiên cũng có một phần cảm xúc của chính tôi trong đó. Vào thời điểm đó tôi cũng đang buồn chuyện tình cảm nên có gửi gắm một chút “đau” của mình vào nhân vật Thiên".

    Truyện ngắn của Hà Mạnh Luân viết sâu sắc, đọc một lần ta có thể không hiểu hết, nhưng đọc đến lần thứ hai ta mới cảm nhận được cái hay của truyện, lúc ấy ta mới cảm thấy thăng hoa cảm xúc. Cũng như những cơn mưa rừng ngấm vào lòng đất cho vạn vật tốt tươi.

    Một độc giả tên Nguyên bình luận: “Mình đã đọc một vài truyện của Hà Mạnh Luân trên báo Văn nghệ trẻ, thực sự mình rất ấn tượng với truyện ngắn của bạn, dường như thế giới nội tâm của tác giả luôn dồi dào cảm xúc. Đi tìm cơn mưa càng thế hiện rõ điều đó. Hình như bạn rất thích mưa? Mình có đọc một tản văn về mưa của bạn. Đọc truyện này thấy được dư vị lãng mạn và thấm chút buồn, đa cảm đa sầu của nhân vật tôi. Có lẽ đó là Hà Mạnh Luân tự khắc tạc chân dung tâm hồn của mình vào trong tác phẩm? Chúc bạn có thêm nhiều truyện ngắn hay nữa nhé".

    blogviet.com.vn




    Radio liên quan:

    Ý kiến bạn đọc [0]:

    Đăng nhận xét

Thông báo

Đóng

Những tâm sự muốn sẻ chia, những bài viết cảm nhận về cuộc sống, những sáng tác thơ, truyện ngắn mời bạn nhấn vào đây để cùng chia sẻ bài viết với chúng tôi

To Top