Blog Radio 302: Hát lên những giai điệu của trái tim
Đăng lúc: Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013
Đăng bởi: Unknown
• Người hát những bản tình ca
Tôi không biết tại sao, nhưng từ khi biết nhận thức và suy nghĩ, tôi đã luôn chấp nhận và hiển nhiên chấp nhận rằng, đàn ông sinh ra là để ngoại tình, để thuộc về một người phụ nữ khác, không phải mình.
Đứa bạn thân, mỗi lần chứng kiến những chuyện tình tôi trải qua, chứng kiến những giọt nước mắt tưởng như héo mòn và sự im lặng cam chịu của tôi trước sự phản bội của người đàn ông mình yêu, thì thường lắc đầu, và thở dài mà nói rằng, có lẽ, hoàn cảnh gia đình đã đẩy mày đến những suy nghĩ tiêu cực đó.
Gia đình tôi không hạnh phúc. Khi tôi mười lăm tuổi thì bố tôi chính thức công khai vợ bé và đưa về sống cùng. Gia đình bên ngoại tôi chẳng có ai, vì mẹ tôi vốn là trẻ mồ côi. Gia đình bên nội thì sau một thời gian dài phản đối vì lời ra tiếng vào của xung quanh, nhưng trước sự ương bướng của bố, mà cuối cùng bà nội đã chấp thuận.
Mẹ tôi không nói gì. Bà lẳng lặng đến dọn dẹp và sửa sang lau chùi căn nhà ba tầng bố tôi xây để đấy từ trước kia. Cũng chính một tay mẹ tôi sắm sửa đồ đạc cho ngôi nhà ấy, từ những thứ nhỏ nhặt nhất như bát đũa, nồi niêu, đến những thứ lớn hơn là ti vi, tủ lạnh, điều hòa… Khi ấy, tôi đi cùng mẹ. Chẳng nói gì, mà chỉ lặng im quan sát những việc bà làm, và thờ ơ.
Tôi không nghĩ là dì cướp chồng của mẹ, mà là bố muốn rời xa mẹ. Càng không phải dì cướp bố của tôi, bố vẫn ở đây, và tôi vẫn là con gái bố. Và đến giờ tôi vẫn tin là mình đúng. Vì kì thực, bố có vợ bé, nhưng những khi xuất hiện bên ngoài, đi công tác hay đi đâu đó, bố vẫn luôn đưa mẹ đi cùng chứ không phải dì. Nói theo cách nào đó, vị trí làm vợ của mẹ vẫn không hề suy chuyển, chỉ là, tình yêu của bố đối với mẹ, thì có lẽ đã bị lung lay.
Từ khi bố chuyển về ở hẳn ngôi nhà đó, mẹ ít nói hơn, và cũng buồn nhiều hơn, nhưng tuyệt nhiên không hề khóc. Sáng sáng mẹ vẫn nấu đồ ăn sáng mang sang cho bà nội, ngồi tiếp chuyện bà đến tận trưa rồi mới về. Buổi tối lại sang sửa soạn chăn gối cho bà, ăn với bà miếng trầu rồi đi ngủ. Mẹ cũng vẫn gặp bố, và nhiều khi gặp cả dì. Những lúc đó, bà chỉ im lặng, gật đầu rồi ngồi như một pho tượng trên ghế.
Bố vẫn luôn chiều tôi, không hẳn vì tôi không phản đối mối quan hệ trái với luân thường đạo lý của bố, mà có lẽ từ khi sinh ra, tôi đã mang những đường nét vô cùng giống mẹ, từ đôi mắt, khóe miệng đến sự im lặng cố hữu trong tích cách và trong cuộc đời mình. Mỗi dịp nghỉ lễ dài, bố luôn dành thời gian đưa tôi đi đâu đó trong lịch trình du lịch của bố. Những ngày cuối tuần, ông cũng gác bạn bè và những buổi tiệc tùng sang một bên, gác cả dì sang một bên, để dành cho tôi một buổi sáng chủ nhật, ngày duy nhất tôi được nghỉ học, đưa tôi ra tượng đài Lê-nin, và ngồi quan sát tôi trượt ván, cho đến khi tôi mệt nhoài, thở không ra hơi, thì hai bố con tìm một quán café nhỏ, đặt hàng qua điện thoại một chiếc pizza, và ngồi im lặng với những suy nghĩ riêng của mình. Sự im lặng. Những thứ đã từng một thời thuộc về mẹ, và giờ đây là thuộc về tôi. Có đôi lúc tôi tự hỏi, vì sao, vì lẽ gì, gần hai mươi năm qua, bố yêu mẹ và chấp nhận sự im lặng đến ớn lạnh ấy. Và giờ đây, ông lại tự đẩy mình bước vào sự im lặng của một cô gái mười tám tuổi, non nót và yếu mềm, là tôi?
Dì tôi là một người phụ nữ đẹp. Điều đó không có nghĩa là mẹ tôi xấu. Mà ngược lại, ở mẹ, toát lên vẻ đẹp của sự nhẫn nhịn, im lặng và phảng phất nét xa xăm cổ điển. Còn ở dì, là vẻ đẹp của kiểu phụ nữ thành đạt, mặn mà, trẻ trung. Tôi có thể ngồi hàng giờ trong cửa hàng áo cưới của dì, ngắm nhìn cái cách mà dì trang điểm cho người ta, và thiết kế những mẫu váy cưới mới. Để rồi khi sản phẩm đầu tiên hoàn thành, chính tay dì đã khoác chiếc váy ấy lên người tôi, mỉm cười hạnh phúc. Tôi có rất nhiều bộ ảnh chụp tại cửa hàng áo cưới của dì. Ảnh của tôi, cũng được đăng tải trên khắp các trang mạng để quảng cáo cho tên tuổi dì. Dì từng bảo, ngày cưới tôi, dì sẽ làm cho tôi trở thành một cô dâu đẹp nhất, không ai có thể sánh bằng.
Tôi cứ sống trong cái vỏ bọc của sự im lặng và thu mình lại trong vỏ ốc đó mà chẳng có bất kì sự mệt nhọc hay buồn chán gì. Có lẽ, được sinh ra trong một gia đình có một bà mẹ im lặng triền miên, có một ông bố sẵn sàng chấp nhận khoảng không gian trầm buồn như thế, nên điều đó đã ăn sâu vào từng tế bào trong cơ thể tôi, tôi coi đó là thói quen, là bản năng, là nhu cầu sống của mình.
Tôi không có nhiều bạn thân, chỉ một cô bạn gái thân thiết nhất, đang đi du học và sống cách xa tôi nửa vòng trái đất. Mỗi ngày chúng tôi gặp gỡ nhau qua chat yahoo, qua facebook và qua những cuộc điện thoại đường dài. Số còn lại, là những mối quan hệ xã giao, hời hợt với tôi. Một vài cô bạn gái cùng lớp đại học luôn giữ cho tôi một chỗ ngồi cạnh trong cái giảng đường chật ních người. Một vài cậu bạn trai trong đội trượt thường mua nước cho tôi sau những giờ trượt mệt nhọc. Những người bạn học cũ, thi thoảng nhớ ra đã từng có một đứa bạn tên Kim, để rồi nhắn tin, gọi điện rủ tôi lên bar vào mỗi tối thứ bảy, hát hò, nhảy nhót và uống, cho đến khi say mềm, thì vứt tôi lên một chiếc taxi, nói vội vã địa chỉ nhà, rồi tạm biệt nhau, sau khi tôi từ chối lời đề nghị vào khách sạn với một anh chàng bảnh trai nào đó tại bar.
Bà nội hài lòng về tôi, vì tôi luôn cư xử ra dáng một đứa cháu ngoan và không làm ảnh hưởng đến thanh danh gia đình. Bà bảo, tôi được cả bố mẹ và dì ghẻ nuông chiều, nhưng không bao giờ tìm cách moi tiền của mọi người để mà phá phách. Những khi ấy, tôi chỉ cười. Vì lẽ gì tôi lại cần tiền hay những món đồ xa xỉ như những người ruột rà của tôi cơ chứ. Tôi sống im lặng. Tôi dễ bằng lòng với cuộc sống của mình. Tôi ngủ yên trong cái vỏ bọc thờ ơ. Cuộc sống như thế, có gì cần đến tiền đâu. Thứ tôi thấy thiếu thốn, là tình cảm, là một cái tôi mạnh mẽ, cá tính và bùng nổ. Những thứ, mà thẳm sâu trong tâm hồn mình, tôi biết, không bao giờ tôi dám kiếm tìm và giành lấy.
Ngày đầu tiên bố nói với mẹ về việc ông có người đàn bà khác, mẹ chỉ im lặng cúi đầu, mãi lâu sau mới ngẩng lên nhìn bố, và bảo rằng: “Anh hãy sống với hạnh phúc của mình. Em vẫn mong điều đó đến với anh”. Bố nhìn mẹ, trìu mến, và hôn phớt lên đôi môi từng một thời ông say đắm của người đàn bà trước mặt ông, rồi rời khỏi phòng mẹ, rất nhanh. Và không có bất kì cái ngoái nhìn nào cả.
Khi bố đi rồi mẹ mới chạy sang phòng tôi, ôm lấy tôi, mà òa khóc nức nở. Mẹ khóc như một đứa trẻ. Lúc ấy, ôm mẹ trong tay, tôi mới thấy sao mà cuộc đời bà tội nghiệp đến thế. Rồi tôi ngẫm cho chính mình. Đến một lúc nào đó, tôi sẽ lấy chồng, và biết đâu sẽ lặp lại bi kịch cuộc đời mẹ, như hiện tại bà đang chịu đựng. Mẹ khóc cho đến khi mệt lả, thì ngủ thiếp đi, trong vòng tay tôi yếu ớt. Gương mặt bà, trong giấc ngủ vẫn thấy sự bất hạnh và khổ đau.
Nhưng tuyệt nhiên sau lần đó, tôi không bao giờ thấy mẹ khóc nữa, kể cả khi bố chuyển về ở hẳn với dì.
Có lẽ, trong cuộc đời mỗi người phụ nữ, không nói về khoảnh khắc sinh nở, thì giây phút họ đau đớn nhất, là khi nghe chính miệng người đàn ông - của mình, nói rằng họ có người đàn bà khác. Thời khắc ấy, tôi tin chắc rằng, họ đã chết rồi, cuộc sống của họ đã trở nên vô nghĩa. Những gì diễn ra trong những ngày kế tiếp, có chăng, chỉ là một sự - tồn - tại, không hơn.
Những ngày gió, ngồi trong phòng mẹ, căn phòng đã lâu lắm rồi không bít những ô gió lại, để nó tràn cả vào phòng, ngập ngụa trong phòng và dày đặc trong cảm xúc, tôi lại xổ tung mái tóc dài mượt của bà, và nhẹ nhàng chải. Có đôi khi, lén nhìn qua tấm gương nhỏ, tôi thấy mẹ mỉm cười, một nụ cười rất nhẹ, rất đẹp, nhưng chỉ diễn ra trong thoáng chốc, rồi mọi thứ lại trở về vị trí của nó. Sự im lặng kéo dài.
Có đôi khi, để mẹ nằm gối đâu lên đùi mình, ê a hát những câu hát trong bài “Người ở, người về”, tôi đã nắm chặt lấy tay mẹ, mà hỏi bà rằng, tại sao, khi bố từ bỏ mẹ, mẹ không đến với người ấy, người mà tôi biết rằng suốt bao năm qua vẫn chờ đợi mẹ và yêu bà bằng thứ tình cảm chưa bao giờ nguội lạnh. Mẹ tôi không trả lời. Lắc đầu. Rồi bảo tôi, mẹ đã không còn là người hát những bài tình ca nào nữa rồi, Kim ạ.
Một hôm, vào buổi chiều, Hà Nội nắng, và vắng. Mẹ tôi nhận được điện thoại từ người cũ. Người ấy muốn gặp mẹ. Bà đã cho gọi tôi đến. Kể lại cho tôi nghe toàn bộ cuộc điện thoại. Và đưa tôi một chiếc phong bì, mà tôi đoán trong đó là một tấm thiệp, nhờ tôi trao tận tay người đàn ông đã gọi điện cho mẹ.
Người ấy đã không nói gì, nhưng tôi biết nỗi buồn và sự thất vọng là có thật. Run run đón lấy chiếc phong thư màu trắng trong tay tôi, người đàn ông với gương mặt hài hòa, có phần hiền lành sau cặp kính, nhìn tôi, gật đầu. Những câu hỏi về cuộc sống của mẹ, về gia đình và về tôi. Hôm đó, tôi nhận ra mình đã nói rất nhiều, lần đầu tiên có một người khác, không phải bố, kiên nhẫn lắng nghe tôi nói như thế. Cuối buổi gặp gỡ, tôi đã nhìn thẳng vào mắt ông, mà nói rằng, chú hãy đến và mang mẹ cháu ra khỏi sự im lặng đang giết chết tâm hồn bà đi. Rồi tôi quay xe, rồ ga phóng vụt đi, để lại sau lưng, người đàn ông xa lạ đang rút vội chiếc khăn tay lau nước mắt.
Mùa đông. Trời nhưng nhức nỗi buồn. Nỗi buồn được gói ghém ngay cả trong từng đợt gió, cơn mưa.
Nhà tôi những ngày dài đóng cửa im ỉm. Mẹ tôi nằm viện, ung thư giai đoạn cuối. Cả nhà chạy đôn chạy đáo tìm kiếm và nhờ vả các bác sĩ giỏi trong viện. Ngay cả dì, cũng giao cửa hàng váy cưới đang trong đợt bận rộn cho người quản lí để cùng bố và bà nội lo liệu mọi việc. Các anh chị của tôi cũng gác công việc sang một bên để túc trực ở viện với mẹ.
Chỉ còn tôi, vẫn sống bằng sự im lặng triền miên của mình.
Mỗi ngày, hết giờ học trên lớp, tôi lại vào viện với mẹ, ngồi im lặng nhìn bà. Mẹ ốm yếu lắm rồi. Hơi thở mệt nhọc. Tóc trên đầu rụng ra từng mảng. Tay chân khô quắt lại, chỉ còn da bọc xương. Nhưng mẹ không khóc, mắt mẹ chỉ buồn, lúc nào cũng thế, nhìn ra xa xăm.
Có một lần, khi chỉ có mình bà và tôi trong phòng, tôi vuốt nhẹ những sợi tóc còn lại trên đầu bà, nhẹ nhàng hỏi, mẹ có muốn con báo tin cho chú ấy không? Bà nhìn tôi rất lâu, rồi thì thào bằng thứ giọng yếu ớt của mình, mẹ chẳng sống được bao lâu nữa, đã đến lúc để chú ấy đi tìm kiếm hạnh phúc thật sự của đời mình. Tôi im lặng, gật đầu. Nhưng đã nghĩ rằng một vài ngày tới, sẽ tìm gặp người đàn ông ấy.
Nhưng rồi tôi chưa kịp làm điều đó, người cũ đã không còn cơ hội để gặp mẹ tôi lần cuối. Mẹ tôi ra đi vào một chiều đông ảm đạm, Hà Nội mưa sụt sùi.
Hôm đó, ôm mẹ trong tay, bố đã khóc. Ông hôn lên đôi môi lạnh cóng của mẹ, hôn cả lên đầu mẹ, nơi những sợi tóc đã rụng hết, chỉ còn trơ lại mái đầu. Lần đầu tiên tôi thấy bố khóc, và thấy nỗi buồn ngập trong đôi mắt ông.
Đám tang mẹ kéo dài ba ngày. Người đến viếng chật kín nhà. Ba anh chị em tôi đội khăn trắng, đứng xếp thành hàng bên linh cữu mẹ. Nhà trong, bà nội, bố và dì, mặc áo màu đen, gương mặt u ám.
Tôi thấp thỏm ngóng ra cửa, quên cả cúi chào khi có người vào viếng. Không hiểu sao tôi có linh cảm rằng người đàn ông đó sẽ đến, nhất định đến.
Rồi người ấy cũng đến thật. Vẫn gương mặt hôm nào tôi nhìn thấy, với những đường nét mà tôi ngỡ là quen thuộc lắm, không biết đã từng gặp ở đâu. Người ấy đến trước linh cữu mẹ, cúi đầu, rồi thắp ba nén hương, và cứ đứng đó, im lặng, nhìn rất lâu vào tấm di ảnh của mẹ. Tấm di ảnh đó được rửa lại từ bức ảnh tôi và mẹ chụp ở Đà Lạt vào mùa thu năm tôi mười lăm tuổi, khi bố chưa có người đàn bà khác. Trong bức ảnh, mẹ cười rất tươi, nụ cười mang hình hài của sự bình an, yên ổn.
Sau khi người đàn ông làm lễ viếng mẹ xong, quay người bước ra phía cửa, không hiểu sao tôi lại chạy theo, giọng hớt hải:
- Chú chờ đã. Bố cháu ngồi ở nhà trong. Chú có muốn gặp bố cháu không?
- Chú gặp bố cháu cách đây hai hôm, sau khi vừa nhận được điện thoại của cháu. Bố cháu đến tận nơi báo tin cho chú.
Người đàn ông nói hết câu, rồi im lặng. Khoảng lặng chờ đợi tôi đối đáp điều gì đó ngược lại. Nhưng tôi chỉ cúi đầu chào tiễn, tuyệt nhiên không nói thêm gì, rồi đi vào nhà trong. Mặc dù không quay đầu nhìn lại, nhưng tôi biết có một đôi mắt đang dõi theo tôi, hiền từ.
Sau lễ tang một tuần, thì bố gọi tôi đến phòng mẹ. Căn phòng này ngày xưa cả bố và mẹ cùng ở, nhưng sau khi có vợ bé, bố chuyển về nhà mới, chỉ còn lại mẹ trong căn phòng rộng thênh thang sơn màu tím này. Mẹ vẫn gọi đó là màu tím của nỗi nhớ.
Tôi bước nhẹ nhàng khắp căn phòng, đưa tay chạm nhẹ từng đồ vật thân quen. Tất cả đều gợi nhắc trong tôi về mẹ và những hoài niệm cũ. Đây là nơi mẹ hay ngồi đợi tôi đến chải tóc mỗi buổi sớm mai. Kia là nơi bà vẫn nằm im trong vòng tay tôi nhỏ bé và đều đều thở. Chiếc hộp sơn mài bà nội tặng mẹ, trong đó vẫn còn nguyên vẹn số nữ trang của người và cả những tấm thiệp - những tấm thiệp màu vàng hoa cải, được gửi từ người tình cũ của mẹ, người mà tôi đã vội vã báo tin ngay khi mẹ vừa mất.
Bên cửa sổ, bố vẫn lặng im đốt thuốc lá. Nhìn nghiêng, những vạt nắng chiếu xiên lên người ông, trông ông đẹp tựa một pho tượng nổi tiếng nào đó.
- Con gái này. - Bố không nhìn ngược lại tôi, cất tiếng gọi nhẹ bẫng, cách gọi từ thuở xưa cũ.
- Có chuyện gì vậy bố? Con thấy bố hơi lạ.
- Ừm, không có gì đâu con.
Tôi không nói gì, tiếp tục lần giở khắp căn phòng mẹ, tìm lại hình ảnh thân quen của bà còn vương vấn nơi đây. Đến lúc này, tôi vẫn không tin là mình vừa mất đi một người thân quen. Cảm giác mẹ vẫn ở đây, ngay bên cạnh bố con tôi.
- Có bao giờ con nghĩ con không phải là con gái bố?
Bố lên tiếng, phá tan bầu không khí im lặng trầm buồn bao trùm. Câu hỏi của ông, quá bất ngờ đối với tôi. Kì thực là gần hai mươi năm qua, tôi chưa bao nghĩ và chưa bao giờ dám hình dung mình không phải là con gái bố mẹ.
- Ý bố là…
- Ừ, bố nghĩ con đã đủ trưởng thành, nên đến lúc nói cho con biết sự thật này rồi.
- Sự thật nào cơ? Con không phải con gái bố mẹ ấy à?
Tôi thấy cổ họng mình nghẹn đắng lại, và phải khó khăn lắm tôi mới thốt lên được thành lời. Những tiếng cuối cùng, trôi tuột vào không khí, đập mạnh vào thính giác của tôi.
- Không phải, mà đúng hơn là không hẳn như thế. Chỉ là, ừ, chỉ là bố không phải bố đẻ của con. Con vẫn là con gái đẻ của mẹ.
Bằng một cách chậm rãi và có phần rụt rè, bố từ tốn nói với tôi sự thật. Sự thật, mà theo tôi là quá sức chịu đựng của mình. Rồi như thể để khiến tôi không phải băn khoăn nghi ngờ gì, ông với tay lấy tập giấy để trên bàn, mà ngay khi bước vào phòng tôi đã nhìn thấy, ông đưa nó cho tôi.
- Đây là xét nghiệm ADN của con và cha đẻ của mình.
Có lẽ khi nghe tin mẹ mất, tôi cũng không hề cảm thấy bàng hoàng bằng lúc này. Sự thật tôi không phải con gái đẻ của bố đã là một cú ngã quá lớn đối với trái tim non nót của một đứa con gái gần hai mươi tuổi là tôi. Nhưng có lẽ tàn nhẫn hơn, là khi biết được cha đẻ của mình là ai. Đáng lẽ ra tôi có quyền mừng rỡ khi tìm lại được cha ruột của mình, hoặc ít ra là cảm thấy nhẹ nhàng vì cả bố và mẹ đều trút đi được gánh nặng khi phải giấu bí mật này quá lâu. Vậy mà trớ trêu thay, tôi lại chỉ thấy nhen lên trong mình những dư âm day dứt và có phần đau đớn. Người đàn ông ngay từ lần gặp đầu tiên tôi đã thấy có nét gì đó quen quá. Người đàn ông của những lần gặp tiếp theo tôi cứ mơ hồ một cảm giác bình yên. Thì ra, đó là cha đẻ của tôi, những đường nét tôi thấy thân quen kì thực tôi vẫn nhìn thấy vào mỗi buổi sáng khi tôi tự mình soi gương chải tóc, thay đồ.
- Bố biết điều này, rất lâu rồi phải không ạ? – Tôi đắn đo nhìn người bao lâu nay mình vẫn gọi bằng bố, môi run run, khẽ hỏi.
- Ừ, bố biết ngay từ ngày đầu tiên, khi mẹ mang thai con, và chú ấy quyết định đi Nga tu nghiệp.
- Vậy sao bố còn lấy mẹ? Người đàn bà như thế đâu có còn gì để xứng đáng với bố đâu? – Những câu hỏi dồn dập trong đầu, và tôi như muốn gào thét lên để làm sáng tỏ.
Bố trầm ngâm, khẽ rút bao thuốc trong túi quần và đốt lửa. Làn khói trắng mỏng manh vẩn đục vần vũ một hồi lâu trước khi tan vào không khí, chỉ còn đọng lại mùi khen khét dịu êm.
- Chú ấy là bạn thân của bố. Và bố đã từng, đã từng rất yêu mẹ.
- Sự hi sinh quá lớn? Rồi lại nhẫn tâm làm đau người phụ nữ bố từng che chở ?
- Có lẽ bố đã là một người đàn ông tốt nhất thế gian, cho đến khi mẹ con nói với bố rằng, đã đến lúc anh phải tự hát bài tình ca của mình rồi, không nên để tình cảm của mình chết theo dư âm của một bản tình ca cũ. Con có hiểu không ?
Khe khẽ cười. Rồi khe khẽ hát. Tôi hát lại những bản tình ca mà ngày xưa khi còn sống, mẹ tôi vẫn thường ôm tôi trong tay và cất giọng hát.
Hình như, ngoài kia, lác đác vài con nắng, xiên nghiêng. Đâu đó văng vẳng bên tai, lời mẹ thì thầm. Mỗi người đều có những giai điệu riêng cho tình yêu của mình, và hãy để chính trái tim mình cất lên tiếng hát những bản tình ca yêu thương ấy.
Nguyễn Minh Hiền
Các bạn thân mến, các bạn vừa đắm mình trong giai điệu của một bản tình ca lặng lẽ. Qua những thăng trầm của cuộc đời, người phụ nữ đó vẫn âm thầm chịu đựng, chấp nhận làm cái bóng đứng sau hạnh phúc của người chồng. Cô con gái không hề oán trách việc bố có vợ bé, trái lại cô còn rất được lòng mẹ kế. Người cha vẫn âm thầm yêu thương vợ và con gái suốt bao nhiêu năm. Để rồi một ngày, ông sẵn lòng trao trả con gái cho người cha ruột.
Câu chuyện có nhiều khoảng trống mà đến từng con chữ cuối cùng, những khoảng trống đó mới được lấp đầy bởi một sự thật được chôn giấu qua nhiều năm. Sự bao dung trong tình yêu là sợi dây xuyên suốt câu chuyện, gắn kết các nhân vật lại với nhau. Để rồi cuối cùng ta nhận ra rằng: “Mỗi người đều có những giai điệu riêng cho tình yêu của mình, và hãy để chính trái tim mình cất lên tiếng hát những bản tình ca yêu thương ấy”.
blogviet.com.vn
Đăng nhận xét